KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UBND HUYỆN VĨNH HƯNG             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG TH&THCS TUYÊN BÌNH                       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 03/KH-TH&THCSTB                        Tuyên Bình, ngày 14 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

TRƯỜNG TH&THCS TUYÊN BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

TẦM NHÌN 2030

 

PHẦN I: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ TRƯỜNG.

Tuyên Bình là xã biên giới, vùng lũ của huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An phía đông giáp thị xã Kiến Tường, phía tây giáp các xã Vĩnh Bình và Tuyên Bình Tây, phía nam giáp huyện Tân Hưng, phía bắc giáp xã Thái Bình Trung và Campuchia. Xã có 5 ấp, trung tâm xã cách trung tâm huyện Vĩnh Hưng 12 km và có Đồn biên phòng Tuyên Bình tọa lạc cách biên giới 3km. Tuyên Bình là xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, xã được công nhận xã văn hóa và đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới; xã có Chùa Cổ Sơn trước kia gọi là Gò Chùa Nổi là di tích khảo cổ học thời tiền sử; Gò Chùa Nổi còn là di tích lịch sử cách mạng trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Xã Tuyên Bình là xã nông nghiệp, có 95% người dân sống bằng nghề làm ruộng; 5% buôn bán nhỏ trên 2 cụm dân cư vượt lũ và mua bán trao đổi qua biên giới; người dân khu vực biên giới giao lưu bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Khơ-me; trình độ dân trí còn thấp so với vùng lũ Đồng Tháp Mười. Các trục giao thông chính đã được nhựa hóa.

Thực hiện Đề án sáp nhập, tinh giản, tinh gọn bộ máy quản lý nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Huyện ủy huyện Vĩnh Hưng, ngày 01/6/2018 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Hưng ban hành Quyết định số 1075/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng về việc thành lập Trường TH&THCS Tuyên Bình. Trên cơ sở sáp nhập Trường tiểu học Tuyên Bình và Trường THCS Tuyên Bình.

Trường có 2 cấp học gồm 14 lớp tiểu học và 6 lớp trung học cơ sở; với 570 học sinh và 41 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trường có 1 điểm phụ và 1 điểm chính (tại trung tâm xã). Điểm chính được phân làm 2 khu vực và có cơ sở vật tách biệt nhau, một khu dành cho cấp giáo dục tiểu học và 1 khu dành cho cấp giáo dục THCS.

Trước khi sáp nhập trường Tiểu học đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trường THCS chưa đạt. Sau 3 năm ổn định, nhà trường từng bước phấn đấu đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ 2 và chuẩn Quốc gia mức độ 1, để góp phần đạt các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của xã nông thôn mới theo Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 12/5/2020 của Đảng ủy xã Tuyên Bình về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tuyên Bình lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) và lộ trình đạt chuẩn Quốc gia của các trường trong huyện giai đoạn 2019-2023. Muốn đạt mục tiêu đó đòi hỏi nhà trường phải xây dựng kế hoạch Chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách xây dựng trường biên giới đạt chuẩn kiểm định và chuẩn Quốc gia vào năm 2022 và nâng dần các tiêu chí, tiêu chuẩn để đạt cấp độ cao hơn trong thời gian tới.

Trường TH&THCS Tuyên Bình chủ động xây dựng kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 là thể hiện trách nhiệm cao cả với cha mẹ học sinh, với học sinh và với sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo của xã nhà, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tuyên Bình nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”. Kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục của Trường TH&THCS Tuyên Bình giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 nhằm xác định rõ định đúng hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển của nhà trường, để đáp ứng và phù hợp với Nghị quyết của chi bộ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Tuyên Bình lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là chương trình phổ thông 2018 và các thông tư mới được ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong suốt quá trình phấn đấu nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của Trường TH&THCS Tuyên Bình đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng nhà trường phát triển khá tốt về nhiều mặt. Các tổ chức: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn – Đội trong nhà trường liên tục đạt danh hiệu vững mạnh. Trường đạt danh hiệu tiên tiến, từng bước đầu tư đạt hiệu quả chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Hiện tại nhà trường đang từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia và cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình công tác, 100% có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn. Nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. CBGV nhà trường tích cực công tác, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hằng năm 100% CBGV đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu LĐTT trong đó có 15% CBGV đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở.

PHẦN II: KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC

  1. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC.

Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường Trung học phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học;

Căn cứ Quyết định 1075/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 của UBND huyện Vĩnh Hưng. Về việc sát nhập Trường Tiểu học Tuyên Bình và Trường THCS Tuyên Bình;

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của UBND huyện Vĩnh Hưng. Về việc ban hành Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường TH&THCS Tuyên Bình;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/CB ngày 08/11/2019 của Chi bộ Trường TH&THCS Tuyên Bình về Nghị quyết Đại hội Chi bộ Trường TH&THCS Tuyên Bình nhiệm kỳ 2019-2023;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 12/5/2020 của Đảng ủy xã Tuyên Bình về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tuyên Bình lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025);

Căn cứ Kế hoạch số 04/KH.TH&THCS ngày 06/01/2019 của Trường TH&THCS Tuyên Bình về Kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục Trường TH&THCS Tuyên Bình giai đoạn 2019-2023 tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng trường Trường TH&THCS Tuyên Bình. Căn cứ tình hình thực tế, Trường TH&THCS Tuyên Bình xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 cụ thể như sau:

  1. II. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG
  2. Đặc điểm tình hình.

1.1 – Môi trường bên trong.

  1. a) Mặt mạnh

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đoàn kết, trách nhiệm, cầu tiến. Đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn khá đồng đều, đạt chuẩn 100%,  đội ngũ trẻ nên việc ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy.

Quy mô trường nhỏ, ít lớp, ít học sinh. Nhìn chung, học sinh ngoan, chăm học. 100% học sinh được xếp loại hạnh kiểm, phẩm chất từ trung bình trở lên, trong đó tỷ lệ xếp loại đạo đức, phẩm chất khá, tốt trên 90% . Tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi đạt trên 40%, tỷ lệ học sinh yếu kém là dưới 3%.

Trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Có 1 phòng/lớp, cấp tiểu học học 2 buổi/ ngày. Thiết bị giáo dục tương đối đầy đủ để phục vụ cho giảng dạy và học tập của nhà trường.

  1. b) Mặt yếu

Giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm (THCS), thu nhập của cán bộ giáo viên, nhân viên nhìn chung còn thấp, đa số sống xa quê. Một số phụ huynh học sinh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Thiết bị giáo dục, thực hành phần lớn đã cũ, thiếu chính xác, phòng bộ môn, phòng thực hành, khu hiệu bộ chưa có, phòng học chưa đúng quy cách đối với cấp THCS.

1.2. Môi trường bên ngoài.

  1. a) Thời cơ

Tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, xã được công nhận xã văn hóa, trình độ dân trí dần được nâng lên, nhu cầu học tập của người dân ngày càng cao.

Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, của Phòng GD&ĐT và sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tuyên Bình trong công tác huy động học sinh ra lớp và công tác phổ cập giáo dục. Các trục đường chính từ các ấp đến trường đã được bê tông hóa. Phần đông học sinh và cha mẹ học sinh trong địa bàn đã có lòng tin vào chất lượng giáo dục của nhà trường, yên tâm khi con cái theo học tại trường.

  1. b) Thách thức

Tình hình của dịch Corona diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả thị trường không ổn định, điều kiện kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và của người học. Đòi hỏi nhà trường phải đầu tư nhiều hơn các điều kiện dạy và học (thiết bị dạy học, phòng chức năng, thư viện, nhà tập, công nghệ thông tin…)

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn, phát huy thế mạnh nhà trường để thu hút đông đảo học sinh trong địa bàn theo học tại trường.

Bồi dưỡng cho học sinh tinh thần thái độ học tập đúng đắn, vượt qua những biểu hiện tiêu cực của xã hội hiện tại: môi trường mạng, bạo lực học đường, bạo hành gia đình, mua bán trẻ em qua biên giới, ý thức khi tham gia giao thông, phòng chống đuối nước, an ninh biên giới, tệ nạn xã hội…

Bồi dưỡng nâng cao nhận thức trong giáo viên và học sinh về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cảnh giác phòng chống tội phạm buôn lậu qua biên giới.

  1. Các vấn đề chiến lược.

Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm theo các chuyên đề.

Xây dựng kỷ cương, nền nếp nhà trường theo hướng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trường học an toàn, xanh, sạch, đẹp; an toàn học sinh trên không gian mạng.

Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên.

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khách quan, công khai, minh bạch.

Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo chuẩn Quốc gia và hiện đại đáp ứng yêu cầu triển khai và thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 III. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

  1. Sứ mệnh

Tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, kỷ cương, chất lượng tốt, hiệu quả cao, để mỗi học sinh được phát triển toàn diện, có kỹ năng sống và khả năng tiếp tục học lên.

Đạt chuẩn kiểm định chất lượng mức 2 và chuẩn Quốc gia mức 1 vào năm 2022.

2.Tầm nhìn.

Là ngôi trường an toàn trong vùng lũ Đồng Tháp Mười, có chất lượng giáo dục toàn diện đạt khá. Được cha mẹ học sinh vùng biên giới tin tưởng, là nơi giáo viên và học sinh dạy học và sinh sống có trách nhiệm với cộng đồng.

  1. Giá trị.

– Tính kỷ luật               – Tinh thần trách nhiệm

– Sự tôn trọng               – Lòng hiếu thảo          

– Sự sáng tạo                – Khát vọng vươn lên

  1. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
  2. Mục tiêu chung

1.1- Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022

Đến năm 2022 trường đạt đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục mức 2 và chuẩn quốc gia mức 1.

Trường có 20 lớp với khoảng 600 học sinh.

1.2- Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030: Trường giữ vững đạt chuẩn quốc gia và đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Trường có 22 lớp với khoảng 620 học sinh.

  1. Mục tiêu cụ thể

2.1. Trong năm 2022 trường đạt chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục mức 2 và chuẩn quốc gia mức 1 với các tiêu chí là:

Hằng năm 100% giáo viên được xếp loại chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên; đạt danh hiệu lao động tiên tiến 100%. Trong đó có trên 15% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở từ cấp huyện trở lên và phấn đấu có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Hằng năm tỷ lệ học sinh lưu ban không quá 3%; Tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 0,5 %

– Chất lượng cấp THCS:

+ Học lực:       Khá, giỏi : Trên 40%;    Yếu, Kém: 3%.

+ Hạnh kiểm: Tốt, Khá: Trên 90 %;   Trung bình : Dưới 10%.

+ Hằng năm có học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

– Chất lượng cấp tiểu học

– Phẩm chất, Năng lực: 100%

– Có 99% hoàn thành chương trình lớp học.

Về cơ sở vật chất: Từng bước tham mưu đầu tư và kiện toàn cơ sở vật chất theo chuẩn Quốc gia.

 2.2. Đến năm 2023 trường tiếp tục giữ vững các tiêu chuẩn kiểm định mức 2 đạt chuẩn quốc gia mức 1 và nâng dần các tiêu chí kiểm định đạt mức 3,4. Trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, với các tiêu chí sau:

Giáo viên, nhân viên: Đủ về số lượng và cơ cấu bộ môn, có năng lực chuyên môn vững vàng, có trên 100% đạt trình độ đào tạo trên chuẩn.

Đảm bảo chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của trường tiên tiến xuất sắc.

Tăng cường công tác di tu, bảo dưỡng phòng học, phòng bộ môn và khu hiệu bộ.

2.3.  Đến năm 2024, trường đạt các tiêu chí sau:

Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định bền vững. Giáo dục mũi nhọn, thế mạnh nhà trường được đào tạo đầu tư theo kế hoạch dài hạn.

Tiếp tục duy trì trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Trường đạt chuẩn kiểm định và chuẩn Quốc gia.

2.4.  Đến năm 2025, trường đạt các tiêu chí sau:

Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định bền vững. Giáo dục mũi nhọn, thế mạnh nhà trường được đào tạo đầu tư theo kế hoạch dài hạn.

Tiếp tục duy trì trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Trường đạt chuẩn kiểm định và chuẩn Quốc gia.

Tiếp tục tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm từng bước nâng dần tiêu chuẩn kiểm định và trường đạt chuẩn quốc gia.

2.5.  Đến năm 2030, trường đạt các tiêu chí sau:

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung, sửa chữa, thay thế cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định bền vững. Giáo dục mũi nhọn, thế mạnh nhà trường được đào tạo đầu tư theo kế hoạch dài hạn và trường duy trì danh hiệu tập lao động xuất sắc.

Trường tiếp tục đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia theo giai đoạn 5 năm.

  1. Phương châm hành động

 “Đoàn kết – Quyết tâm – Vượt khó  – Vươn lên”

  1. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC
  2. Các giải pháp chủ đạo

Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch chiến lược. Thống nhất cao các nội dung kế hoạch chiến lược đã xây dựng, từ đó quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Hiệu trưởng tham mưu kịp thời, hiệu quả với lãnh đạo địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội khác… để thực hiện được các mục tiêu của chiến lược.

  1. Các giải pháp cụ thể

2.1. Đổi mới phương pháp dạy học

Tích cực nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng phương pháp dạy học có hiệu quả.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, BCH Công đoàn, Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách, tổ khối trưởng.

2.2. Phát triển đội ngũ

Lập kế hoạch và tham mưu Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND huyện tuyển đủ về số lượng, chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Tổ chức kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ hợp lý đúng năng lực, sở trường.

Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cho toàn thể CBGV, nhân viên, đặc biệt là CBGV giữ các công việc chủ chốt trong bộ máy tổ chức nhà trường, phát huy vai trò người đứng đầu.

Tạo điều kiện cho CBGV-NV có nhu cầu tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm việc xây dựng đội ngũ, quy hoạch cán bộ nguồn và kết nạp đảng viên mới.

Phụ trách thực hiện: Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, BCH Công đoàn.

 2.3. Về cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ

Tham mưu với địa phương hàng năm có kế hoạch đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác dạy và học.

Đầu tư kinh phí để mua sắm thêm một số thiết bị dạy học đã hỏng hoặc còn thiếu theo hướng hiện đại.

Tham mưu đề xuất xây dựng cơ sở vật chất đối với cấp THCS trong năm 2021, để trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và đề nghị kiểm định, đánh giá ngoài vào năm 2022.

Tập trung tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp – an toàn cho CBGV-NV và các em học sinh trong toàn trường.

Thường xuyên động viên, khuyến khích giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học và nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Kế toán, Tổng phụ trách, giáo viên tin học, Giáo viên chủ nhiệm các lớp.

2.4. Nguồn lực tài chính

Căn cứ nguồn ngân sách được phân bổ, kế toán xây dựng kế hoạch chi tiêu trong năm một cách phù hợp. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ dựa trên các văn bản hướng dẫn của cấp thẩm quyền.

Huy động các nguồn đóng góp, tài trợ, nhà hảo tâm của các lực lượng trong và ngoài nhà trường (Cha mẹ học sinh, các doanh nghiệp…).

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, kế toán, Ban chấp hành công đoàn, các GVCN lớp.

2.5. Hệ thống thông tin về nhà trường

Tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả website của trường.

Cung cấp các thông tin về hoạt động giáo dục của nhà trường qua các kênh khác nhau như: Hội thảo, các cuộc họp, hội nghị, thư điện tử, các hình thức công khai trong và ngoài nhà trường, các thông báo trên các phương tiện truyền thông địa phương…

Khuyến khích giáo viên, nhân viên lập, sử dụng có hiệu quả hộp thư điện tử cá nhân.

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Tổ văn phòng, giáo viên công nghệ thông tin, tổ giúp việc.

2.6. Quan hệ với cộng đồng

Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng Điều lệ và quy chế phối hợp.

Với các ban ngành đoàn thể, Đồn Biên phòng Tuyên Bình, doanh nghiệp và nhân dân địa phương phải có quan hệ hợp tác, bình đẳng, khách quan.

Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng của cộng đồng.

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, trưởng các đoàn thể, tổ trưởng, GVCN.

2.7. Lãnh đạo và quản lý

Xây dựng quy chế làm việc, nội quy cơ quan, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, tổ chức bộ máy… theo quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của  Nhà nước và các văn bản có liên quan.

Mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động giáo dục mũi nhọn, các nội dung mới, sáng tạo, mang tính đột phá.

Duy trì tốt các hoạt động nền nếp, kỷ cương mang tính truyền thống.

Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các bộ phận.

  1. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  2. Trách nhiệm của Ban giám hiệu

Xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030

Xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm, tổ chức chuyên đề để thực hịên có hiệu các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Hai năm một lần, rà soát đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, có điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và địa phương. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, sơ, tổng kết.

Tích cực tham mưu chính quyền địa phương, phòng GD&ĐT.

  1. Trách nhiệm của tổ chuyên môn và các bộ phận trong nhà trường

Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo tuần, tháng, năm và từng đợt thi đua.

Tổ chức và phân công lao động hợp lý dựa trên nguồn lực, khả năng và trách nhiệm của từng thành viên.

Trong quá trình thực hiện cần thường xuyên phản hồi, đóng góp ý kiến với lãnh đạo nhà trường để có giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các các vấn đền vướng mắc, khó khăn phát sinh để nâng cao hiệu quả công việc.

  1. Trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên

Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu hằng năm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của bản thân. Xứng đáng là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng một việc làm cụ thể hằng năm.

Phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, sáng tạo luôn có khát vọng được đóng góp sức mình vào sự phát triển của nhà trường với phương châm “Nỗ lực của cá nhân là thành công của tập thể ”.

  1. Trách nhiệm của học sinh

Ra sức học tập và tích cực rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ với khẩu hiệu hành động “Chăm ngoan – Học giỏi – Vượt khó – Vươn lên”.

Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, rèn kỹ năng sống, để sau này ra trường có vốn sống cần thiết cho mình và là người công dân biên giới tốt có ích cho gia đình và cộng đồng.

  1. Trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh

Phối hợp với nhà trường, giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh các giá trị cơ bản trong hệ thống các giá trị cốt lõi của Chiến lược đã đề ra.

Luôn có những ý kiến tham mưu, đóng góp, giúp đỡ và ủng hộ nhà trường về mọi mặt. Cùng nhà trường hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của Chiến lược.

VII . ĐỀ XUẤT- KIẾN NGHỊ

  1. Đối với PGD& ĐT Vĩnh Hưng

Tham mưu với UBND huyện bổ sung, tuyển dụng nguồn nhân lực (Giáo viên, nhân viên) cho nhà trường đủ theo Đề án vị trí việc làm và nguồn kinh phí theo lộ trình trường chuẩn Quốc gia.

Đầu tư xây dựng phòng học, phòng bộ môn, khu hiệu bộ (cấp THCS) nhằm giúp nhà trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình (năm 2023).

Tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo Long An kịp thời cung cấp các trang thiết dạy học đối với các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách kịp thời.

Thường xuyên giúp đỡ nhà trường về chuyên môn nghiệp vụ.

  1. Đối với UBND xã Tuyên Bình

Hàng năm có kế hoạch phân bổ kinh phí đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất cho nhà trường. Chỉ đạo các ban ngành đoàn thể xã hỗ trợ nhà trường trong việc triển khai và thực hiện chiến lược.

Trên đây là kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục Trường TH&THCS Tuyên Bình giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”. Nhà trường xây dựng lộ trình thực hiện và cụ thể hoá các mục tiêu thành chương trình hành động thiết thực, sát với tình hình thực tế của nhà trường và địa phương, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chi bộ nhiệm kỳ 2019-2023 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tuyên Bình lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo./.

       HIỆU TRƯỞNG

      TRẦN VĂN THÔNG