Ở cấp học THCS, các em học sinh có nhiều biến chuyển tâm lý, tần suất thay đổi trạng thái tâm lý vì thế càng cao.
Kết quả học tập của các em một phần còn phụ thuộc vào tâm trạng từng giai đoạn, từng thời điểm. Vì thế, giáo viên ở cấp học này thường phải bám sát các em và có sự uyển chuyển trong nhiều tình huống khác nhau khi có vấn đề phát sinh, sau đó phối hợp cha mẹ cùng điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, không phải cứ trao đổi cùng phụ huynh thì nhận được sự hợp tác.
Cô Nga, một giáo viên dạy môn Văn lớp 8 hơi buồn lòng, khi cô liên lạc với phụ huynh để thông báo về kết quả kiểm tra môn văn gần đây của một số học sinh bị điểm thấp. Mục đích là để cùng phụ huynh tìm hướng nâng cao hơn thành tích học tập của các em.
Thế nhưng, cô nhận được các câu hỏi ngược lại như: “Các năm trước con tôi học rất tốt, tại sao năm nay điểm lại thấp được?”, hay “Ngoài học ở trường tôi còn cho nó đi học thêm ở một trung tâm gần nhà nữa mà, các thầy cô ở đó vẫn thông báo là sức học các em bình thường mà”…
Ảnh minh họa: Người Lao Động. |
Trong trường hợp này, cô bình tĩnh thưa cùng các phụ huynh rằng, đa phần các em là những học sinh có sức học tương đối khá, trước đây kết quả học tập của các em tốt, những năm trước đây các em ít quan tâm và bị chi phối bởi mối bạn bè nên học tốt.
Nhưng nay, tâm sinh lý học sinh thay đổi, các em lơ là chuyện học hành mà các em “đề cao tình bạn” hơn (cách nói giảm của cô Nga về việc các em học sinh bắt đầu có rung động trước các bạn khác giới, bắt đầu biết tỏ tình yêu đương).
Cô giải thích như vậy thì phụ huynh cũng gật gù, vài phụ huynh cũng công nhận rằng con cái họ có thay đổi cách ăn mặc, hay để ý đến hình thể bề ngoài hơn…
Còn cô Loan, một giáo viên toán có thâm niên và được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, muốn cho chính mắt phụ huynh thấy tận mắt những bài kiểm tra bị điểm thấp để thấy sức học của một số con cái học họ chưa tốt, với mục đích cùng phụ huynh nhìn nhận khả năng thực của học sinh thì bị phụ huynh phản ứng dữ dội: “Cô dạy làm sao mà nhiều học sinh học bị điểm kém như vậy? Hay tại cô dạy dở nên các em không hiểu rồi không làm được bài!”.
Nghe đến đây, cô Loan tủi thân như muốn khóc, cô kể rằng “thực tình, trước giờ các em thường được các thầy cô cho ôn một số bài trước khi kiểm tra, sau đó ra đề kiểm tra thì rút ra từ trong các câu hỏi ôn tập trước nên đa phần các em “học thuộc” từ trước nên làm bài được điểm cao, nay mình ra đề không có những câu đã cho ôn tập, đề kiểm tra không giống 100% những gì đã học nên chúng làm không tốt. Vậy mà phụ huynh không tiếc lời trách móc làm cô thấy như bị xúc phạm!
Rất thương cho các thầy cô giáo có tâm như trên, vì quan tâm đến chất lượng dạy và học thực, vì muốn cho phụ huynh thấy sự thay đổi tâm sinh lý nên kết quả chưa tốt mà bị nói nặng nhẹ. Nhưng buồn cho một hình thức giáo dục học gì thi nấy, thi y chang như học, thi mà như sao chép lại bài dạy thảo ra sẵn… Mong sao có nhiều thầy cô có tâm, dám thay đổi để thế hệ trẻ học cách tư duy nhiều hơn.