(GDVN) – Khi dự thảo sửa đổi Thông tư 30 được công bố, dư luận băn khoăn rằng, việc thay đổi phương thức đánh giá thành mức A, B, C khác gì với phương thức chấm điểm?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân NhạBộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cậpBộ trưởng phát tín hiệu và chuyện “quyền rơm, vạ đá”
LTS: Ở Thụy Điển, Mỹ, Canada, New Zealand sử dụng bảng chữ cái để xếp loại học sinh; Phần Lan dùng thang điểm từ 4 đến 10; Singapore đánh giá theo mức độ phần trăm hoàn thành nội dung học tập.
Còn trong bản Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 thay vì sử dụng Đạt hay Không đạt; Hoàn thành hay Không hoàn thành như Thông tư 30 hiện hành thì việc đánh giá sẽ bằng ba mức A, B, C.
Tuy nhiên, lúc này dư luận lại băn khoăn và cho rằng, đánh giá học sinh theo mức thì chẳng khác nào quay lại với phương thức cho điểm trước đây. Thực hư vấn đề này ra sao?
Sau khi xem xong bản dự thảo sửa đổi Thông tư 30, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường Tiểu học Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội) đưa quan điểm, với các tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng, có tính phân hóa đối tượng học sinh (theo mức A,B,C) sẽ giúp giáo viên dễ thực hiện trong quá trình đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, dư luận lại băn khoăn rằng, việc thay đổi phương thức đánh giá thành mức A, B, C sẽ không khác gì với phương thức cho điểm theo cách truyền thống trước kia. Ví dụ mức A = 10 hoặc 9 điểm; mức B= 8 hoặc 7 điểm…
Nhìn nhận điều này, giáo viên Nguyễn Xuân Thanh, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội) cho rằng: “Phương thức đánh giá này khác với phương thức cho điểm cách truyền thống trước đây.
Bởi lẽ, cách đánh giá theo mức A, B, C giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn biết được khả năng của học sinh ở mức nào tuy nhiên không rành rọt là 10 điểm, 9 điểm hay 3 điểm, 2 điểm nên những học sinh chưa đạt chuẩn không bị mặc cảm, tự ti, xấu hổ với bạn bè“.
Giải thích thêm điều này, cô giáo Ngô Thị Mai Hương (trường Tiểu học số 2 Minh Lập – Đồng Hỷ – Thái Nguyên) cho rằng, phương thức cho điểm trước đây là định lượng rõ ràng nhưng mức A, B, C không phải là định lượng mà nó chỉ là lượng hóa. Căn cứ vào đó để giáo viên đưa ra nhận xét học sinh vào các khoảng để thuận tiện trong việc theo dõi, đánh giá.
Còn dưới góc độ của một giảng viên Giáo dục Tiểu học, TS.Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng:
“Cách đánh giá học sinh theo mức A,B, C không phải là hình thức biến tấu của điểm số.
Các mức này vẫn chỉ là bước trung gian giữa Thông tư 30 và cách chấm điểm cũ. Nó sẽ giúp cho phụ huynh dễ tiếp cận với Thông tư 30 để hợp tác tốt hơn với nhà trường trong việc dạy dỗ trẻ“.
Không đồng tình với những ý kiến này, ông Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Trường Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan) nêu quan điểm:
“Tôi thấy việc đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa A, B, C về bản chất không khác gì đánh giá bằng điểm số.
Chúng chỉ khác nhau về hình thức và là một cách chấm điểm kiểu khác mà thôi.
Phụ huynh và học sinh vẫn có thể ngầm hiểu A là 9,10; B là 7,8,… và rồi vẫn áp lực và so sánh”.
Mà rõ ràng “Tinh thần của Thông tư 30 là không chấm điểm để không gây sức ép cho học sinh, phụ huynh và giảm thiểu những tiêu cực.
Mục đích của việc không chấm điểm là để phá bỏ sự so sánh giữa các học sinh với nhau. Giờ đổi sang A, B, C thì hãy thử nghĩ liệu chúng ta có đang sai với mục tiêu ban đầu của Thông tư 30 hay không?”, ông Hiệp lý giải.
Vậy làm sao để hạn chế việc so sánh này?
Ông Hiệp nêu giải pháp, Bộ GD&ĐT nên xem xét việc làm sao điểm học sinh nào thì chỉ học sinh và phụ huynh của em đó biết chứ không công bố trước cả lớp. Làm như vậy để học sinh và phụ huynh không thể so sánh.